Nếu một fan Kpop chính hiệu nếu gặp đề thi thế này liệu các fan sẽ xử lý ra sao?
Câu chuyện về những cách đối xử và nhìn nhận bất công mà xã hội dành cho fan Kpop dường như chưa bao giờ là một chủ đề hết hot trong cộng đồng mạng. Và mới đây, chủ đề này lại một lần nữa gây xôn xao với một sự việc có thật vừa được đông đảo fan Kpop chia sẻ.
Vào tối hôm qua, các fan Kpop liên tục truyền tay nhau đề thi học kỳ 1 môn Văn lớp 10 của một trường THPT tại Đà Nẵng. Trong phần Đọc hiểu, đề thi này đã dẫn một đoạn trích trong bài thơ "Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất" của nhà thơ Đỗ Trung Quân:
"... Nói thật
Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt
Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội.
Sắt đá vẫn nghẹn ngào.
Nhưng các em ạ
Chúng tôi không bao giờ rơi lệ
Những chuyện tào lao
Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy, gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ hươ lạ hoắc
đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu
tôi nghĩ đơn giản thế này
Bố tôi chết tôi mới khóc
Mẹ tôi chết tôi mới khóc
Bạn tôi chết tôi mới khóc
Đồng bào tôi mất tích ngoài biển đông tôi mới khóc
Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ
Hãy cố mà để dành
Mà nhỏ xuống cho điêu linh đất nước
Mà rưng rưng cho nỗi nhục bị cỡi cổ đè đầu
Làm nô lệ
Tôi bảo các em lần này thôi nhé
Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình
Nhục
Biển Đông
Quá
Đủ"
Trong câu số 3 của phần Đọc hiểu, đề bài này cũng yêu cầu học sinh phân tích ý kiến về việc "Theo nhà thơ Đỗ Trung Quân, việc giới trẻ "mất thì giờ nửa đêm run rẩy, gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ hươ lạ hoắc" chính là "làm xấu hổ thêm xứ sở mình"". Và ngay lập tức, đề bài này đã trở thành một câu chuyện gây xôn xao trong cả cộng đồng fan Kpop Việt.
Khi đề bài này được một blog cá nhân (cũng là học sinh của trường THPT nói trên) đăng tải, nó đã nhận được đến 3.000 lượt share và hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bình luận bày tỏ ý kiến. Thực tế, bài thơ này đã được viết vào năm 2012, khi mà vấn nạn fan Kpop bị xã hội kỳ thị đang lên đến đỉnh điểm với nhiều vụ việc người hâm mộ bật khóc khi đón thần tượng. Tại thời điểm đó, bài thơ này đã bị cộng đồng fan Kpop phản đối, chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí có người còn viết ra một bài thơ khác để "phản pháo".
Và rồi sau 5 năm, bài thơ này lại một lần nữa gây xôn xao chỉ vì đề bài ra đúng vào thời điểm hết sức nhạy cảm - khi fan Kpop vẫn đang bị nhiều người cười nhạo, mỉa mai chỉ vì khóc lóc sau sự ra đi của Jonghyun (SHINee). Và có lẽ, đề thi này được đưa ra cũng từ sự kiện đang gây xôn xao cả cộng đồng trong thời gian gần đây. Chính vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi có rất nhiều ý kiến tức giận được để lại ở khắp mọi nơi.
Dạo quanh một số page cũng như group Kpop, không khó bắt gặp những ý kiến cho rằng tại sao fan Kpop lại phải xấu hổ, phải nhục nhã khi thực tế họ hoàn toàn không làm gì sai. Thậm chí, có nhiều ý kiến còn so sánh Kpop với bóng đá, cho rằng tại sao fan bóng đá khóc vì thần tượng giải nghệ thì được tung hô, còn fan Kpop khóc vì thần tượng qua đời thì lại bị cả xã hội lên án.
Một ý kiến tinh tế cho biết mỗi thời đều có những sở thích khác nhau, và xin đừng cấm đoán sở thích của giới trẻ chỉ vì chúng đi ngược lại với ý kiến của thế hệ đi trước
Bên cạnh đó, một số người cũng nhắc lại đề thi Đại học môn Văn khối D cũng trong năm 2012, khi phần Nghị luận xã hội "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hoá, nhưng mê muội thần tượng là một thảm hoạ". Khi ấy, không ít thí sinh đã chọn cách bỏ luôn câu này vì cho rằng đề bài xúc phạm đến cộng đồng fan Kpop, cũng giống như đề Văn của trường THPT ở Đà Nẵng nói trên.
Tuy nhiên, cũng có những fan Kpop tỉnh táo hơn và cho rằng, khi gặp những đề bài kiểu này, thay vì bỏ hẳn cả một câu, hãy chọn cách phản bác thông minh và thể hiện suy nghĩ của mình trên trang giấy. Dù có thể quan điểm của bạn đi ngược lại với đáp án, với lập luận của số đông, nhưng đó là cách bạn truyền tải tinh thần văn minh của cộng đồng fan Kpop đến với người chấm thi, người ra đề thi - những người lớn tuổi mà có thể họ hoàn toàn không hiểu hết những điều chúng ta vẫn luôn bảo vệ.
Thay vì chửi rủa đề thi, nhiều fan Kpop cho rằng hãy sáng suốt sử dụng lập luận phản bác để hoàn thành bài viết
Còn bạn, bạn nghĩ sao về đề thi này? Nếu đây là đề bài của bạn, bạn sẽ chọn cách trình bày như thế nào?
0 nhận xét cho " Fan Kpop dậy sóng với đề thi yêu cầu học sinh bày tỏ ý kiến khi cuồng nhiệt thần tượng 'làm xấu hổ thêm xứ sở mình'"