Cho nên SM "mặc kệ thiên hạ" và vững chải tiến lên theo cách của mình.
Nhắc đến SM là nhắc đến công ty giải trí hàng đầu xứ Hàn – nơi hội tụ của những tên tuổi bậc nhất như DBSK, Super Junior, SNSD, EXO… Có lẽ nếu nhìn vào những gì mà SM đã làm được ngày hôm nay thì chắc hẳn không phải ai cũng biết rằng những trào lưu, xu hướng mà SM dẫn đầu, những nhóm nhạc đình đám mà công ty tạo dựng nên, những mục tiêu mà họ hướng đến ban đầu luôn bị công chúng cho là điên rồ và sẽ thất bại.
Tuy nhiên, SM đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy rằng họ không chỉ thành công, mà còn thành công rực rỡ! Bí kíp chính là ở việc mặc kệ thiên hạ, bỏ ngoài tai những hoài nghi của công chúng để có thể vững tin đi theo con đường đã vạch ra.
Concept nhóm nhạc thần tượng
Nhóm nhạc thần tượng từ lâu đã là cụm từ quen thuộc đối với những người yêu mến âm nhạc Hàn Quốc. Tuy nhiên, vào đầu thập niên 90, nó vẫn là một khái niệm xa lạ. Phải cho đến khi Lee Soo Man đưa ra ý tưởng về việc xây dựng một nhóm nhạc mà các thành viên được người hâm mộ tôn thờ, ngưỡng mộ không chỉ vì giọng hát hay khả năng vũ đạo mà còn bởi ngoại hình hoàn hảo (như ý nghĩa đầy đủ của cụm từ "thần tượng") và biến ý tưởng đó thành sự thực bằng H.O.T thì khái niệm "nhóm nhạc thần tượng" mới chính thức xuất hiện.
Tại thời điểm ấy, công chúng không nghĩ rằng H.O.T sẽ thành công. Khi mà SM vẫn còn là một công ty non trẻ và Lee Soo Man trong quá khứ cũng chưa phải là một Lee Soo Man lẫy lừng của hiện tại thì việc người ta đặt ra câu hỏi về sự thất bại của một nhóm nhạc đi theo mô hình chưa từng xuất hiện trong lịch sử cũng là điều dễ hiểu. Thậm chí, việc SM sáng tạo ra tên gọi cho fandom và màu bóng đại diện cho fandom của H.O.T còn bị xem là một việc làm đầy điên rồ.
Tuy nhiên, thành công đáng kinh ngạc của H.O.T khiến cho những người lên tiếng chỉ trích SM trước đó cũng phải giật mình. Có lẽ không cần phải bàn nhiều về những gì H.O.T làm được bởi bản thân cái cách mà công chúng nhắc đến họ "Nhóm nhạc huyền thoại số 1" đã nói lên tất cả. Giờ đây, H.O.T đã ngừng hoạt động và nhiều năm đã qua đi nhưng họ vẫn luôn là tượng đài trong lòng những người yêu nhạc và là thần tượng của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ Hàn sau này.
Với sự xuất hiện của H.O.T, lịch sử đã bước sang một trang mới. Kế tiếp H.O.T, rất nhiều những nhóm nhạc thần tượng đã ra đời và ngày nay, cụm từ "thần tượng" thậm chí được dùng để chỉ ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Với SM, những gì mà H.O.T làm được không chỉ giúp cho SM vươn mình trở thành công ty hàng đầu xứ Hàn mà nó còn là cú giáng mạnh mẽ vào những ai tin rằng họ sẽ thất bại.
Mô hình nhóm nhạc đông thành viên
Năm 2005, sự xuất hiện của Super Junior với số lượng thành viên đạt mức kỷ lục – 12 người đã gây náo động Kpop. Trước đó người Hàn vốn đã quen thuộc với con số 3 đến 5 thành viên ở mỗi nhóm nhạc. Có lẽ bởi vậy mà trong quãng thời gian đầu hoạt động, Super Junior đã phải nhận về mình không ít những hoài nghi và định kiến "12 thành viên thì mỗi người hát được bao nhiêu giây?", "Làm sao phân biệt được ai với ai?"… Lại một lần nữa, người ta nhìn vào SM và kết luận rằng "rồi cũng sẽ thất bại mà thôi".
Tuy nhiên, SM đã cho thấy rằng họ là công ty với tầm nhìn vượt lên trước thời đại. Từ một nhóm nhạc bị công chúng ghét bỏ, Super Junior dần tạo được chỗ đứng cho riêng mình và trở thành một trong những biểu tượng hàng đầu Kpop. Sự thành công của Super Junior là minh chứng rõ ràng nhất cho những lợi ích của một nhóm nhạc đông thành viên như thu hút một số lượng fan lớn hơn hay tạo ra vũ đạo đẹp mắt… Sẽ là sai lầm khi cho rằng đông người thì khó có thể phân biệt được giữa các thành viên bởi những người hâm mộ nhạc Hàn luôn dễ dàng "nhớ mặt thuộc tên" 13 thành viên Super Junior, 9 thành viên SNSD hay 12 thành viên EXO…
Rất nhiều nhóm nhạc hiện nay đều áp dụng mô hình đông thành viên mà SM khởi xướng. Dường như việc có nhiều thành viên đã trở thành một trong những nhân tố đảm bảo cho sự thành công của một nhóm nhạc ở Kpop. Lần này, công chúng cũng phải thừa nhận rằng cái tài của SM nằm ở chỗ họ luôn có thể biến những gì trước đó bị cho là "khác thường", "kì lạ" trở thành những xu hướng.
"Nhật tiến"
Từ lâu, báo chí đã tốn không ít giấy mực về chuyện các ngôi hoạt động tại thị trường Nhật Bản thành công như thế nào, lập được những kỷ lục ra sao… Tuy nhiên, không phải ai cũng biết khi SM thực hiện những bước đi tiên phong tại đất nước mặt trời mọc thì nhiều người đã cho rằng việc làm của họ là thiếu khả thi.
Năm 2002, BoA chính thức tấn công thị trường Nhật Bản thông qua đĩa đơn tiếng Nhật đầu tiên mang tên "Listen to my heart". Tại thời điểm ấy, việc SM để BoA "mang chuông đi đánh xứ người" được xem là một nước cờ đầy mạo hiểm của Lee Soo Man. Lúc bấy giờ, nền âm nhạc Hàn Quốc vẫn chưa thực sự phát triển. Hầu hết các ca sĩ đều tập trung vào thị trường nội địa và tiến ra bên ngoài vẫn còn là một giấc mộng xa vời với phần lớn nghệ sĩ thời đó.
Không chỉ vậy, "xứ sở hoa anh đào" còn là một trong những thị trường âm nhạc khó tính nhất thế giới. Người Nhật vốn có tinh thần tự tôn dân tộc, tự tôn văn hóa và tính bài ngoại cao. Họ ít chấp nhận âm nhạc nước ngoài, tôn vinh âm nhạc nước mình và luôn muốn giữ gìn những giá trị đó. Bản thân người Nhật và người Hàn cũng luôn e dè nhau bởi vấn đề lịch sử phức tạp giữa hai quốc gia. Vô số những thách thức và rào cản đặt ra khiến cho không ít người tin rằng thất bại của SM là điểu dễ dàng thấy trước.
Tuy nhiên, SM luôn có những cái đầu tính toán và những chiến lược thông minh nhất. Âm nhạc của BoA được người Nhật ưa thích và đĩa đơn "Listen to my heart" của cô liên tục đạt No.1 trên Oricon Chart – một trong những bảng xếp hạng âm nhạc uy tín nhất Nhật Bản.
Sau thành công của BoA, SM tiếp tục để DBSK "Nhật tiến" vả cả thế giới phải kinh ngạc vì những gì mà họ đã làm được. Các ca khúc của DBSK liên tục chiếm giữ vị trí đầu bảng Oricon Chart, lượng album bán ra tại Nhật lên đến con số vài triệu… DBSK đã ghi danh vào lịch sử khi là nhóm nhạc Hàn Quốc đầu tiên tổ chức concert tại "thánh đường" Tokyo Dome – giấc mơ của mọi nghệ sĩ Nhật, nơi được xem là đỉnh cao của danh vọng. Năm 2009, lần đầu tiên kể từ sau World Cup 2002 được tổ chức tại Hàn Quốc, hệ thống khách sạn ở Seoul đã phải tuyên bố không còn khả năng nhận thêm khách nữa bởi số lượng người hâm mộ Nhật Bản theo DBSK về Hàn đã ở mức chưa từng có. Nhưng thành công lớn nhất của DBSK không phải nằm ở bất cứ kỷ lục nào mà nằm ở chỗ người Nhật không xem họ là nhóm nhạc nước ngoài mà coi họ như một nhóm nhạc Nhật Bản thực sự.
Sau sự mở đường của BoA và DBSK thì hàng loạt các nhóm nhạc Hàn Quốc khác đã lấn sân sang thị trường Nhật Bản, các nghệ sĩ học tiếng Nhật, MV ca nhạc có thêm phiên bản Nhật."Nhật tiến" không còn là câu chuyện của một hay hai nhóm nhạc mà nó đã trở thành trào lưu chung trong Kpop.
Tạm kết
Ban đầu, hầu như những gì SM làm đều bị cho là thất bại. Bản thân những nhóm nhạc SM khi mới ra mắt thường xuyên bị gắn mác "Đây sẽ là nhóm nhạc thất bại đầu tiên của SM" nhưng rồi sự thật đã chứng minh điều ngược lại. Bất chấp mọi hoài nghi và chỉ trích, SM liên tục đi đầu trong việc tạo nên những trào lưu, những nhóm nhạc huyền thoại và viết nên lịch sử cho riêng mình. Những người đứng đầu công ty đã giữ cho mình một cái đầu đủ thông minh để có thể dự đoán và đón đầu xu hướng, và không kém liều lĩnh khi dám "dấn thân" thực hiện những bước đi đầu tiên. Có thể nói rằng Kpop sẽ không phát triển rực rỡ như ngày nay nếu thiếu đi cái đầu "điên rồ" của SM.
0 nhận xét cho "Châm ngôn của SM: Muốn thành công hơn người, bạn phải đặc biệt hơn họ."