Hoạt động 6 năm nhưng tên tuổi GOT7 vẫn có phần thua kém các nhóm nhạc cùng thời tại quê nhà.
Từ khi ra mắt năm 2014 đến nay, GOT7 luôn nhận được sự yêu mến ở thị trường quốc tế. Ngược lại, nhóm còn xa lạ với người dân Hàn Quốc vì vẫn chưa có một bản hit lớn nào giúp tên tuổi trở nên phổ biến hơn. Chất nhạc của GOT7 luôn bị đánh giá khó nghe, rối rắm và không hợp gu khán giả xứ kim chi.
Tuy nhiên mới đây tại vòng thi Group Battle của show sống còn ProduceX101, ca khúc Lullaby của GOT7 được các thực tập sinh trình diễn thành công và để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. Nhờ sức hút mạnh mẽ từ ProduceX101, phiên bản gốc Lullaby của nhóm nam nhà JYP bất ngờ tiến thẳng lên vị trí #1 BXH Naver TV. Sau gần một tuần, Lullaby vẫn còn xuất hiện trong top 100 của trang video trên, chứng tỏ sự phổ biến không nhỏ. Ca khúc cũng “lội ngược” BXH hàng ngày của Melon từ dưới hạng 1.000 lên 292.
Ca khúc "Lullaby" của GOT7 bất ngờ lội ngược dòng nhờ hiệu ứng Produce X 101
Sự lan tỏa của ca khúc cho thấy chất nhạc không phải là thứ gây trở ngại cho GOT7. Nhiều người hâm mộ quay sang chỉ trích cách quảng bá nhóm hời hợt của công ty chủ quản JYP. Tuy nhiên, liệu đó có phải là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự nghiệp trì trệ của GOT7 trên sân nhà?
Mong mỏi được công nhận ở Hàn Quốc
Sự nổi tiếng của GOT7 trên mặt trận quốc tế là điều khó có thể phản bác. Ngay từ khi debut, nhóm nhận được sự chú ý lớn từ fan ngoại khi có 3 thành viên người nước ngoài là BamBam (Thái Lan), Mark (Mỹ), Jackson (Hongkong). Nhờ đó, GOT7 nhanh chóng lập thành tích lớn khi là nhóm nhạc Kpop đầu tiên có album đầu tay đứng hạng nhất BXH BillBoard World Album. Hàng năm, hashtag #GOT7 đều lọt top được sử dụng nhiều nhất thế giới trên Twitter. Trong JYP, GOT7 cũng là nhóm nhạc duy nhất tổ chức thành công tour diễn ở Bắc Mỹ với đêm diễn có sức chứa cỡ đấu trường.
Sự nổi tiếng ngoài biên giới Hàn Quốc đem đến cho GOT7 nguồn thu nhập khổng lồ. Thành viên BamBam từng tiết lộ tòa nhà mới của JYP có 12 tầng nhưng GOT7 góp công xây dựng từ tầng hầm đến tầng 4. Họ tự hào gọi mình là trụ cột mới của công ty.
Ba thành viên ngoại quốc Mark, Jackson, BamBam là nguyên nhân giúp GOT7 được yêu mến nồng nhiệt ở nước ngoài.
Dù có mọi thứ mà các ca sĩ khác mơ ước nhưng GOT7 lại chỉ mong mỏi được khán giả quê nhà Hàn Quốc - nơi nhóm sinh ra - công nhận âm nhạc của mình. GOT7 chưa có bản hit nào trong lòng công chúng xứ kim chi, những ca khúc nhóm phát hành không trụ hạng được lâu hơn 2 ngày. Chính GOT7 cũng nhận thức được vị trí của bản thân mình ở Hàn Quốc. Thành viên Jackson từng gây đau lòng khi chia sẻ: “Tôi ước GOT7 nhận được nhiều sự quan tâm ở Hàn Quốc hơn. Các bạn có thể không thích chúng tôi nhưng hy vọng các bạn có thể nghe qua bài hát dù chỉ một lần”.
Cứ mỗi lần comeback, GOT7 và cộng đồng fan lại cầu nguyện cho bài hát được phổ biến nhưng rồi họ lại thất vọng khi thấy thành tích nhạc số bết bát. Dù GOT7 ôm hàng loạt cúp trên show âm nhạc thì kết quả này cũng chỉ có fan và nhóm biết đến. Họ tự chúc mừng, cổ vũ nhau sẽ thành công vào lần sau.
Lỗi đến từ cách quảng bá của JYP?
Trên thực tế, JYP vẫn luôn cung cấp các chương trình quảng bá cho GOT7 trong mỗi đợt comeback như đặt bảng quảng cáo ở trung tâm thương mại đông người, đưa nhóm tham gia hàng loạt show giải trí, chạy quảng cáo YouTube. Các nhóm nhạc cùng công ty như Twice, Itzy, Stray Kids đều có hoat động tương tự. Thậm chí, Itzy không tham gia bất kỳ show thực tế nào nhưng vẫn thành công rực rỡ với ca khúc đầu tay Dalla Dalla. Nên có thể nói rằng cách lăng xê của JYP không phải là mấu chốt vấn đề GOT7 kém nổi tiếng ở Hàn Quốc mà ở nhiều nguyên nhân khác.
Đầu tiên phải quay lại thời điểm GOT7 vừa ra đời năm 2014 với ca khúc Girls Girls Girls. Đây là khoảng thời gian JYP gặp khó khăn về tài chính và gần như suýt rơi khỏi Big3. Khi debut, GOT7 được đầu tư sơ sài từ vẻ ngoài tới MV. Những chàng trai ăn mặc lỗi thời, mái tóc lởm chởm từng là tiêu điểm “ném đá” và càng gây thất vọng về JYP. Tình trạng tương tự xảy ra với 2 MV sau đó của GOT7 là Stop Stop It và A khiến cho người xem ngán ngẩm và không quan tâm đến nhóm. Kể từ đó, cái tên GOT7 bị quên lãng và bị lấn án bởi các nhóm nhạc nam biểu tượng như BigBang, EXO.
Tạo hình ngày đầu debut của GOT7 không hợp thị hiếu phần lớn khán giả Hàn Quốc
Ngoài ra phải kể đến việc JYP luôn được ca ngợi mát tay trong việc đào tạo nhóm nữ nên khiến các nhóm nam bị lu mờ. Điển hình là Twice trong năm đầu tiên hoạt động đã có được Daesang (giải thưởng lớn) khiến GOT7 luôn bị đem ra so sánh và đánh giá thấp hơn.
Thêm nữa, việc boygroup 7 thành viên không thành công ở Hàn là vì sự đối đãi bất công của công ty khiến fan Hàn của nhóm phật lòng. Cụ thể, mỗi năm GOT7 chỉ có một concert ở Hàn tuy nhiên ở Thái lại có một tour vòng quanh cả nước. Hay các thành viên nhóm là ca sĩ Kpop nhưng lại luôn chọn Thái Lan, Trung Quốc để mở fanmeeting đầu tiên trong sự nghiệp. Gần nhất, JYP gây bức xúc khi đưa ra hàng loạt quy tắc không cho chạm tay, giới hạn thời gian trò chuyện ở fasign - nơi chủ yếu chỉ có fan Hàn tham gia.
GOT7 đã bước đến năm thứ 6, JYP cũng dần lơ là họ để tập trung cho các nhóm tân binh. Dù tương lai mịt mù nhưng mỗi khi được hỏi khoảnh khắc đặc biệt muốn được trải qua một lần, trưởng nhóm JB đều không ngại bày tỏ ước mơ chạm tới chiếc cúp Daesang danh giá. Họ vẫn luôn cố gắng từng ngày nhưng với hướng đi, mong muốn ban đầu của JYP và định kiến dân Hàn dành cho nhóm, GOT7 chỉ còn có thể trông chờ vào hai chữ “may mắn” đến với mình.
0 nhận xét cho "Đi tìm lý do vì sao GOT7 vẫn mãi "lận đận" ở Hàn Quốc dù rất được yêu thích trên trường quốc tế"