Những lời lẽ xúc phạm trên mạng xã hội có thể gây ra những tổn thương về tinh thần, lấy đi sự vui vẻ và tự tin của nạn nhân.
Thời gian gần đây, các công ty giải trí đã tich cực hơn trong việc thực hiện hành động pháp lý đối với những kẻ quấy rối nghệ sĩ trên mạng xã hội. Nạn nhân của những hành động xấu xí này thường là những thần tượng đang nổi tiếng, nhận được nhiều sự chú ý từ phía công chúng.
Nếu như cách đây 6,7 năm, việc khởi kiện những bình luận ác ý còn khá xa lạ thì hiện tại đã được các công ty quan tâm nhiều hơn. Nhất là khi ngày càng có nhiều thần tượng rơi vào trầm cảm vì phải hứng chịu gạch đá từ cư dân mạng.
Những "đàn quạ đen" đã hoạt động thế nào suốt những năm qua?
Chúng ta đang sống giữa một xã hội có sự bùng nổ về thông tin. Các trang mạng xã hội ngày càng phủ sóng mạng mẽ nhằm kết nối mọi người với nhau. Mỗi cá nhân có thể sở hữu nhiều tài khoản Facebook, Twitter, Instagram,v.v. để tự do bày tỏ quan điểm của bản thân về một sự việc. Nhiều cư dân mạng đã thoải mái bình luận ác ý về người khác và mặc định đây là quyền tự do ngôn luận của họ.
"Anh hùng bàn phím" đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống hiện đại
Trước đây, fan K-pop thường có suy nghĩ rằng là idol thì bị ném đá là chuyện bình thường. Đứng dưới góc nhìn của công chúng thì mạng xã hội chỉ là ảo, không gây thương tích, thiệt hại về tài sản hay tính mạng nên có thể bỏ qua. Hơn nữa, đây là đặc thù công việc, một người muốn nổi tiếng thì phải chấp nhận đánh đổi.
Idol K-pop thường xuyên phải chịu những lời ném đá vô cớ
Lâu dần, suy nghĩ này đã khiến việc ném đá idol K-pop trở thành "chuyện thường ở huyện". Ban đầu là những bình luận quá khích, sau đó là chửi bới, thóa mạ, xúc phạm gia đình và nhân phẩm của nạn nhân, thậm chí là cả bịa chuyện đặt điều.
Mạng xã hội là ảo, những nỗi đau là thật
Trên thực tế, việc ném đá nghệ sĩ trên mạng là tác động một chiều. Idol K-pop phải nhận những lời chỉ trích nhưng họ không biết người viết bình luận là ai và đang ở đâu. Họ cũng không thể đáp trả từng người, cuối cùng nghệ sĩ chỉ có thể im lặng chịu đựng và bỏ qua.
Đây không phải "một điều nhịn là chín điều lành", những bình luận dù chỉ là một dòng chữ thôi những cũng có thể hủy hoại tâm trạng vui vẻ của người khác. Trưởng nhóm RM (BTS) từng thừa nhận bản thân thường xuyên đọc những bình luận ác ý trên mạng. Không những thế, RM còn vô cùng ám ảnh về những lời lẽ đó.
Để viết ra một bình luận ném đá người khác, bạn có thể chỉ mất vài giây và quên đi trong 5 phút và không cần chịu trách nhiệm. Nhưng phía bên kia màn hình, nạn nhân sẽ cảm thấy tổn thương, suy sụp. Họ có thể rơi nước mắt, suy nghĩ tiêu cực và trở nên tự ti, khép kín hơn.
Một trường hợp khá nghiêm trọng đó chính là Park Bom, cựu thành viên 2NE1. Nữ ca sĩ tiết lộ cô đã có một khoảng thời gian đen tối sau khi dính vào scandal chất cấm. Dù đã công khai bệnh tình, Park Bom vẫn bị netizen đối xử như tội phạm nghiện hút. Sự nghiệp của Park Bom gần như sụp đổ hoàn toàn vì những lời công kích từ dư luận. Cô cho hay:"Trái tim tôi đau đớn nhưng tôi dằn lòng mình là phải chịu đựng". Nữ ca sĩ thậm chí còn cầu xin công chúng hãy để mắt đến mình trong bài phỏng vấn.
Không chỉ mình Park Bom, nhiều nghệ sĩ trong làng giải trí đã rơi vào trầm cảm khi còn rất trẻ bởi áp lực từ nhiều phía, trong đó bao gồm cả sự tấn công trên mạng xã hội.
Mỗi người phải có trách nhiệm hơn với lời nói của mình
Thường xuyên công kích người khác một cách vô tội vạ đã trở thành thói quen của nhiều cư dân mạng. Một người ném đá sẽ có người thứ hai hùa theo, cứ như vậy suy nghĩ bầy đàn dần hình thành.
Mỗi cá nhân cần có trách nhiệm với lời nói của mình, kể cả trên mạng xã hội. Những bình luận lệch lạc, chủ quan có thể bóp méo sự thật. Tiêu biểu là trường hợp của nhóm nhạc nữ T-ara. Công chúng đã hiểu sai về scandal bắt nạt của họ suốt nhiều năm vì những luồng ý kiến vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho nỗi đau của họ? Ai sẽ trả lại sự nghiệp đang trên đỉnh cao của họ? Câu trả lời là không một ai cả.
Chính vì vậy, một cá nhân dám ném đá, đặt điều về nghệ sĩ thì cũng phải có bản lĩnh đối mặt với pháp luật. Mới đây, Big Hit Entertainment đã tuyên bố sẽ có những hành động pháp lý mạnh mẽ và không khoan nhượng nhắm tới những antifan tấn công BTS trên internet. Các công ty quản lý đang mạnh tay hơn, nhưng trên hết vẫn là mỗi người trong số chúng ta cần tự ý thức với hành động của bản thân mình.
0 nhận xét cho "Ném đá, xúc phạm nghệ sĩ là 'chuyện thường ở huyện' hay vấn nạn cần lên án? "